Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Sẽ xây cáp treo lên Phanxipăng?

UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Sa Pa đến năm 2030. Đề án này có một điểm “nhạy cảm” là sẽ thiết kế và xây dựng một cáp treo dài 6,2km từ ngoại vi thị trấn Sa Pa lên đỉnh Phanxipăng - nóc nhà Đông Dương.

Từng có những tranh cãi gay gắt về việc xây cáp treo lên các di tích, thắng cảnh như Yên Tử, chùa Hương, Tây Thiên... hay các điểm du lịch như Nha Trang, Bà Nà. GS Trần Quốc Vượng từng tuyên bố: muốn xây cáp treo thì phải bước qua xác tôi. Nhưng cuối cùng, tất cả cáp treo đều đã được xây và đưa vào phục vụ du khách. Sau Yên Tử là cáp treo Bà Nà, chùa Hương, Nha Trang và mới đây là cáp treo Tây Thiên (Vĩnh Phúc)...

Dự kiến, cáp treo lên Phanxipăng sẽ dài khoảng 6,2km có điểm đầu tại tổ 11 (thuộc thị trấn Sa Pa), vượt qua thung lũng Mường Hoa kết nối với các điểm du lịch mới và lên đỉnh Phanxipăng ở cao độ 2.900-3.000m. Điểm cao nhất của Phanxipăng hiện nay được xác định cao 3.143m.

Có nhiều luồng dư luận khác nhau quanh đề án này, Tuổi Trẻ đã gặp gỡ và lấy ý kiến của các bên quan tâm để rộng đường dư luận.

* Ông Trần Hữu Sơn (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lào Cai):

Tôi không đồng ý.

Tỉnh đã phê duyệt đề án nhưng tôi với tư cách là một nhà nghiên cứu thì không đồng ý. Chủ trương có nhiều tác hại như thế khó thực hiện được.

Cả nước mới có một Phanxipăng, đấy là niềm tự hào khi chinh phục được nóc nhà Việt Nam. Đó là mơ ước cả đời của rất nhiều người, lên đỉnh núi để kỷ niệm ngày cưới. Thậm chí có cả người khuyết tật cũng leo lên Phanxipăng. Đấy là cảm giác được chinh phục. Cả nước chỉ có một đỉnh núi như thế thôi. Phanxipăng là nóc nhà của Việt Nam, nóc nhà cũng chỉ chứa được chừng ấy người thôi, phải để người ta leo lên chứ.

Bây giờ làm cáp treo, ùn ùn kéo lên càng nhiều càng tốt để thu tiền cho doanh nghiệp. Người ta giẫm đạp lên đấy thì còn gì là đỉnh Phanxipăng. Chỗ ấy đa dạng sinh học như thế, đến 10 loại cây đặc hữu của Sa Pa, trên thế giới không có, nếu làm cột cáp treo mà cây bị giẫm lên thì thôi rồi...

Cả một nền văn hóa của người dân tộc thiểu số, người ta đi từ từ, người ta leo núi, người ta chinh phục... ứng xử với núi suốt nghìn năm nay như thế. Giờ tự dưng “ông” cứ ào ào lên như thế. Về văn hóa không được, về môi trường không được. Về lợi nhuận trước mắt có thể có rất nhiều tiền, nhưng về lâu dài là phá hoại cả thế hệ sau.

Đa dạng sinh học sẽ bị phá vỡ. Hàng loạt người lên thì chẳng còn gì nữa. Phải nhớ rằng tài nguyên đất của Sa Pa cực kỳ quý giá, nhiều cây thuốc quý, loại đặc hữu chỉ có thể trồng trên đất Sa Pa. Nếu cứ khai thác bừa bãi như dưới xuôi thì chết. Quỹ đất là tài nguyên không thể tái sinh được.

Người Sa Pa phải nghiên cứu lại và đi theo cách của người Sa Pa để làm du lịch. Du lịch bền vững là gì, là thế hệ này không làm hại đến thế hệ sau. Muốn thế phải đảm bảo hai yếu tố: giữ gìn bản sắc văn hóa và đảm bảo môi trường. Bất cứ mô hình nào ở Sa Pa mà áp dụng như ở dưới xuôi, như ở nước khác nguyên xi thì chắc chắn thất bại. Chỉ có những gì được Lào Cai hóa, Sa Pa hóa mới có thể thành công.

Một ngày nào đó, khi bạn đến Sa Pa không nhìn thấy người dân tộc mặc đồ dân tộc nữa, mà chỉ mặc quần áo người Kinh thì khi đó Sa Pa đã chết.

* KTS Nguyễn Luận (nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN):

Không nên làm cáp treo tới đỉnh.

Tôi đã đọc bản đề án quy hoạch Sa Pa và quan điểm của tôi là nên nhìn sự việc một cách bình tĩnh, trên tổng thể chứ không nên quá giật mình vì khái niệm “cáp treo”.

Trong bản quy hoạch tổng thể mới của Sa Pa này, tôi thấy các nhà quy hoạch đã rút được kinh nghiệm từ những dự án quy hoạch khác, cố gắng tránh những tác động đến khu dân cư tập trung nhất của thị trấn Sa Pa và mở ra những khu vực khác ở phía tây.

Về hạng mục cáp treo, trong dự án chỉ có mấy dòng ngắn ngủi, trong bản đồ quy hoạch chỉ vẽ một đường thẳng cắt ngang thung lũng Mường Hoa nên có thể còn nhiều điều cần phải bàn bạc, góp ý. Tuy nhiên về chủ trương, tôi đồng ý với việc làm cáp treo lên Phanxipăng. Làm cáp treo lên các khu du lịch nổi tiếng trên núi cao là xu hướng phổ biến trên thế giới, và chúng ta có quyền áp dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến để phục vụ phát triển du lịch, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề nhiều người lo lắng là cáp treo có phá vỡ môi trường, cảnh quan, có tác động đến hệ sinh thái của đỉnh núi và vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn hay không thì tôi cho rằng đó là vấn đề của quá trình thi công và của các nhà quản lý du lịch. Thi công được giám sát nghiêm ngặt đúng thiết kế, quản lý tốt lượng khách lên xuống, với những yêu cầu ngặt nghèo về bảo vệ môi trường... thì sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu.

Về mặt tâm linh, tôi cũng nghe ý kiến cho rằng không nên đặt công trình xây dựng nào trên nóc nhà Đông Dương cả. Nhưng thực tế trên các triền núi này không có một công trình kiến trúc tôn giáo nào như Yên Tử hay chùa Hương, nên việc để cáp treo chạy trên cao không gây cảm giác bất kính hay phản cảm.

Tuy nhiên, nếu bản quy hoạch chi tiết chưa được duyệt, tôi xin góp ý là cáp treo không nên làm lên đến đỉnh Phanxipăng. Đỉnh núi hẹp, không nên và không thể đặt một công trình có kết cấu đồ sộ. Tương tự như Yên Tử hay khu trượt tuyết trên núi Alps, trên Phanxipăng chỉ nên làm cáp treo đến một độ cao nhất định, khoảng hơn 2.000m, để giúp những người yếu sức khỏe vẫn có thể lên đến được một độ cao nhất định để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Còn lại, từ nhà ga này lên đến đỉnh núi vẫn phải là quãng đường thử thách, đồng thời cũng là phần thưởng xứng đáng cho những ai có khát khao, ý chí và nghị lực. Cáp treo sẽ mở ra nhiều lựa chọn hơn cho du khách.

* Ông Phùng Văn Khải (nhà thiết kế tour, nguyên giám đốc Hapro Tour):

Quan trọng là sử dụng cáp treo như thế nào.

Tôi chuyên làm tour cho khách châu Âu vào Việt Nam và tôi đã leo Phanxipăng không ít lần, hầu như năm nào tôi cũng leo. Tôi thấy đường mòn lên Phanxipăng giờ đầy rác thải đô thị (chai nước, túi nhựa, vỏ đồ hộp). Với người làm tour, ăn thua là ở ý thức chứ không chỉ ở phương tiện. Tôi tán thành nếu có công ty nào đó hay địa phương đứng ra xây dựng cáp treo lên Phanxipăng. Tôi cho rằng trên cáp treo người ta sẽ khó xả rác hay bẻ cây, đốt lá... như khi leo bằng đường bộ.

Tuy nhiên, với tư cách một người làm tour và một người leo núi (bán chuyên nghiệp), tôi có một lời khuyên và cũng là lời đề nghị với các nhà quy hoạch là không nên thiết kế cáp treo lên đến đỉnh Phanxipăng. Nên làm kiểu base camp - các trại nghỉ trên đường leo Everest. Chỉ cho cáp lên đến một độ cao nhất định, xây dựng các đài, trạm quan sát ở đó với đầy đủ dịch vụ du lịch gọn, vệ sinh, tuyệt đối tuân thủ các quy định chặt chẽ về môi trường...

Chặng đường còn lại phải dành cho các nhà leo núi thật sự có tình yêu thiên nhiên, có khát vọng chiến thắng bản thân và chinh phục những đỉnh cao. Đỉnh cao bao giờ cũng chỉ dành cho số ít người có nghị lực và phẩm chất đặc biệt hơn.

* KTS Hoàng Thúc Hào (giảng viên khoa kiến trúc Đại học Xây dựng Hà Nội, người đã đoạt hàng loạt giải thưởng kiến trúc quốc tế và hiện đang xây dựng nhà cộng đồng cho bà con xã Tả Phìn, Sa Pa):

Cần thận trọng, quan tâm đến đặc thù văn hóa.

Quan điểm của tôi là không nên đưa cáp treo lên thẳng đỉnh Phanxipăng. Bản thân việc khó chinh phục và tiếp cận đỉnh cũng là một điểm hấp dẫn của đỉnh núi này. Không nên làm mất tính văn hóa, tính hấp dẫn, thách thức của nó. Đó là chưa kể đến ở bất cứ vùng đất du lịch nào cũng lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Tiếp cận và giải quyết vấn đề này thế nào cũng là một điều phải cực kỳ lưu tâm chứ không nên chủ quan.

Tôi thật sự không thích lắm với ý tưởng làm cáp treo ở khu vực này, dù ở mọi quy hoạch hiện nay đều phải chấp nhận tính đương đại của nó. Nếu lên đến đỉnh thì kết cấu các trụ, bám sẽ ảnh hưởng đến núi rừng, thảm thực vật, tác động đến đời sống sinh vật trong khu vực này.

Với quy hoạch này, tôi nghĩ phải hết sức thận trọng và quan tâm đến đặc thù văn hóa của vùng đất. Các góc lệch, tuyến cáp treo đi qua đều phải tính toán rất kỹ. Thậm chí phải tính toán đến chất liệu, màu sắc của cả hệ thống để có thể hài hòa vào cảnh quan.

Du lịch, GO! - Theo Thu Hà, Hà Hương (TTO)

Đến Mẫu Sơn nghe chuyện huyền bí

Du khách thường tìm đến Mẫu Sơn để tìm cảm giác lần đầu tiên thấy băng tuyết trên quê hương, nhưng ở đây không chỉ có tuyết...

Với một chút máu phiêu lưu, du khách sẽ tìm thấy nhiều điều kỳ thú ở đây nhưng phải chịu cảnh đi xuyên rừng, có khi đổ đèo dốc thăm thẳm, rồi lại băng lên những cửa ải hùng vĩ. Nếu đi vào mùa khô phải men theo khe suối, còn mùa mưa phải lần trên các gò đồi cao tránh suối lớn, trơn trượt...

Điểm đến cần khám phá này là khu linh địa cổ Mẫu Sơn thuộc địa phận xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Để khám phá linh địa cổ Mẫu Sơn, từ Hà Nội chúng ta có thể đi ôtô khách hoặc xe máy. Nhưng để chủ động và thích hợp với phong cách khám phá thì chúng ta nên đi bằng xe máy bởi hơn 180km không phải là quá xa.

Nên đi vào buổi chiều để tối chúng ta ngủ tại TP Lạng Sơn lấy sức chuẩn bị cuộc hành trình khám phá với hơn 8g. Nên đi với số lượng 4-5 người trở lên và càng mang đồ gọn nhẹ càng tốt.

Lỡ hẹn với... băng tuyết

Lần nào cũng vậy, mỗi khi trời dưới xuôi rét đậm tôi lại nghĩ ngay tới băng tuyết Mẫu Sơn. Nhìn các tấm ảnh cành cây, nhành hoa bị băng tuyết bao phủ trong vắt như pha lê mà người bạn ở Lạng Sơn gửi về khiến tôi không khỏi ước ao được một lần chứng kiến, được tự tay chụp những khoảnh khắc hiếm đó.

< Những hiện vật vương vãi khắp nơi trong khu linh địa.

Có lẽ do chúng tôi chưa bén duyên với sự xuất hiện của băng tuyết Mẫu Sơn. Đợt rét gần đây nhất cậu bạn gọi điện báo xuất hiện băng tuyết, tôi vội vã nhảy lên con Dream “chiến” lên đường. Thế nhưng khi mới tới trung tâm huyện Chi Lăng thì bất ngờ trời xứ Lạng hửng nắng… Một trải nghiệm bất ngờ!

“Đã lên tới đây rồi thì nên đi Mẫu Sơn, chỗ này độc lắm - Linh địa cổ nhé” - cậu bạn vỗ vai tôi.

Từ trung tâm thành phố Lạng Sơn, chúng tôi vượt hơn 20km đến huyện Lộc Bình theo con đường đi cửa khẩu Chi Ma. Tiếp tục đi theo con đường này đến cột mốc kilômet số 7 thì rẽ trái vào một đường đất nhỏ. “Đến đây gửi xe, bắt đầu đi bộ nhé” - cậu bạn chỉ vào Trường tiểu học xã Mẫu Sơn (thuộc thôn Lặp Pịa). Suốt dọc con đường nhỏ chạy men theo sườn núi ước gần 1km chúng tôi nhiều lần giật mình thú vị vì những chú sóc tinh nghịch băng qua đường, chúng quá nhanh nên chẳng chộp được tấm ảnh nào ra hồn.

< Ngôi mộ tổ của dân tộc Dao được khắc chữ Nôm Dao.

Rồi một bãi đá lớn được xếp rất lạ mắt hiện ra trước mắt. Người bạn đồng hành giải thích đó là ngôi mộ tổ của dân tộc Dao, Mẫu Sơn. Ngôi mộ được đánh dấu bằng bảy phiến đá phẳng, cao gần 1m, mặt trước phiến đá có khắc các dòng chữ loằng ngoằng. Anh bạn tôi giải thích đó là chữ Nôm Dao và đây là ngôi mộ tổ của dòng họ Triệu, dân tộc Dao.

Tiếp tục cuộc hành trình qua các loại địa hình từ đường đất rồi đến đường mòn, băng rừng và men theo con đường nhỏ dọc sườn núi, chúng tôi đã đến được khu linh địa cổ Mẫu Sơn.

< Những gì còn sót lại của quần thể linh địa Mẫu Sơn một thời hoành tráng...

Một bãi đất đá trống trải ra trước mắt chúng tôi. Không quá kỳ bí như những gì tôi tưởng tượng về khu linh địa cổ qua câu chuyện người bạn kể trên đường. Đứng ở một vị trí cao đủ bao quát thì có thể hình dung được quần thể linh địa một thời hoành tráng với những nền móng bằng đá, chân cột đá, tường đá, tường gạch, bậc thềm và cả cánh cửa đá…

Những câu chuyện hư cấu

Qua người bạn, tôi được biết thời gian qua có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đặt chân tới mảnh đất này. Những nền móng được xác định đó là ngôi đền cổ có từ thế kỷ 10, hai ngôi mộ cổ cũng vậy. Các phiến đá tại khu linh địa cổ này do bàn tay con người đục đẽo, gọt giũa bằng phẳng, các góc của mộ đá vuông thành sắc cạnh, mộ đá có mái che…

< Cối xoay cửa còn sót lại.

Bao phủ xung quanh linh địa này là những câu chuyện hư hư thực thực được truyền miệng khiến hành trình khám phá thêm phần bí hiểm và thú vị. Bất kỳ ai lên đây cũng đều sẽ được nghe câu chuyện kể về phiến đá khóc ra máu. Chuyện kể rằng trong một chuyến đi săn, ông chủ gia đình người Dao vác về một phiến đá kỳ lạ từ khu linh địa cổ, với suy nghĩ đơn giản là dùng vào công việc cá nhân của gia đình.

Thật kỳ lạ là mờ sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc ông chủ nhà thấy phiến đá đang rỉ ra những giọt máu. Ông vội vã cùng gia đình thành khẩn cõng phiến đá thiêng lên trả lại chỗ cũ và cầu xin tha thứ. Câu chuyện cứ thế lan truyền mãi trong ký ức của người Dao và các dân tộc khác trong vùng, trở thành câu chuyện kể cho các lữ khách lạc bước lên đây.

< Di tích nền móng đền thờ chính.

Bóng hoàng hôn dần khuất sau bước chân với bao câu chuyện kỳ bí khác. Nào là câu chuyện hoa đào vùng Mẫu Sơn có màu đỏ sẫm vì mảnh đất này được nhuộm bởi dòng máu vô tận từ một câu chuyện tình đầy nỗi oan khiên. Rồi cả lý do tại sao Mẫu Sơn lại nức tiếng với tên một loại rượu mang tên địa danh này…

“Cuối tháng 3 này lại lên nhé, mùa hoa đỗ quyên nở đẹp lắm. Khắp núi rừng sẽ rực bởi sắc đỏ loài hoa này” - cậu bạn hẹn tôi trước khi chia tay.

Khám phá linh địa cổ Mẫu Sơn, Lạng Sơn

Du lịch, GO! - Theo Lam Thanh (TTCN)

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Trảng cỏ Bù Lạch

Cách trung tâm huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hơn 20km, ở xã Đồng Nai có một trảng cỏ xanh rờn đến mênh mông được bao bọc giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, như cách biệt với thế giới bên ngoài. Đó là trảng cỏ Bù Lạch, một thắng cảnh mang đậm hơi thở của tự nhiên và luôn sẵn lòng níu chân du khách ghé thăm.

< Đồng cỏ xanh xa tít tận chân trời.

Con đường đến với trảng cỏ Bù Lạch quanh co qua những đèo dốc uốn lượn trong rừng càng thôi thúc trí tưởng tượng của chúng tôi về một bức tranh thủy mặc có cả rừng lẫn trảng cỏ mênh mông giữa một vùng trời đất ngoạn mục. Đường đi ngày càng dốc và nhỏ lại, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Hoa sim điểm xuyết một màu tím thơ mộng cho những hàng cây bên đường…

< Câu cá giải trí ở bàu nước giữa trảng cỏ Bù Lạch.

Trong không gian vắng lặng, tiếng gió rì rào quyện lẫn tiếng chim rừng, một trảng cỏ xanh bỗng nhiên hiện ra như đang gợn sóng, uốn lượn trước mắt rồi trải rộng đến vô tận. Chấm phá trong sự kì diệu ấy là một bàu nước trong vắt, phản chiếu nền trời với mấy đám mây bồng bềnh đang lững thững trôi.

Khung cảnh càng trở nên yên bình khi chúng tôi bắt gặp từng đàn trâu đang nhẩn nha gặm cỏ trên trảng cỏ bình yên và rộng lớn. Đằng xa, mấy chú nghé đang nô đùa, làm âm thanh từ những chiếc lon sắt rung rinh dưới cổ thay cho lục lạc vang lên như khúc nhạc trữ tình của núi rừng.

< Bàu nước như một tấm gương phản chiếu giữa trảng cỏ Bù Lạch.

Trên diện tích 500ha, trảng cỏ Bù Lạch thực sự là sản phẩm tuyệt mĩ của tạo hóa nằm giữa chốn thâm sơn cùng cốc với 20 trảng cỏ lớn nhỏ kết nối với nhau. Có trảng rộng chỉ 5 - 10ha, nhưng trảng rộng nhất, đẹp nhất lại lên đến gần 100ha gọi là trảng Lớn. Nét độc đáo ở đây là chỉ có duy nhất một loại cỏ kim đan xen cỏ chỉ mọc là là mặt đất, xanh tốt quanh năm khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự sắp đặt đến hoàn hảo của thiên nhiên.

< Vẻ đẹp thanh bình của vùng bàu nước giữa trảng cỏ Bù Lạch.

Trên từng trảng cỏ rộng, thấp thoáng những khóm hoa dại khoe sắc tím sặc sỡ càng tô điểm cho nền cỏ non xanh mượt. Sau những giờ lang thang trên cỏ, du khách có thể đến gần bìa rừng để thưởng thức những trái sim rừng tim tím với vị chua chua, ngọt ngọt rất lạ.

Trảng này nối tiếp trảng kia, xanh ngút ngàn mà vẫn không lẫn được trong những cánh rừng nguyên sinh cũng đang nối tiếp chạy dài, ôm lấy từng trảng cỏ theo một ranh giới rất rõ ràng suốt bao nhiêu năm qua. Đó là hai hệ thực vật không hề xâm lấn nhau mà như sinh ra để cùng tạo nên một vẻ đẹp kì diệu của tạo hóa.

< Những chú trâu nhẩn nha gặm cỏ trên trảng cỏ Bù Lạch 

Chung quanh các trảng cỏ là các làng của đồng bào M’Nông, S’tiêng và Mạ. Các già làng ở đây đều giải thích rằng chữ “lạch” tiếng M’Nông có nghĩa là trảng, trong trảng lại có cái bàu nước nên trảng cỏ Bù Lạch còn có tên là Bàu Lạch. Các già còn luôn ví vùng trảng cỏ rộng lớn này chính là những tấm thảm xanh của trời trải xuống cho các tiên nữ xuống đùa vui vào những đêm trăng thanh. Sau khi vui chơi thỏa thích, các nàng còn khoe làn da trắng ngần với ánh trăng rừng và khỏa mình dưới làn nước lung linh, trong mát…

< Quăng chài đánh bắt cá trên bàu nước.

Chính sự nguyên vẹn và hoang sơ của thiên nhiên đã biến trảng cỏ Bù Lạch trở thành một địa điểm du lịch sinh thái thú vị. Đến đây, du khách có thể chèo thuyền hoặc tản bộ ngắm cảnh, câu cá, cắm trại, chơi đá bóng trên nền cỏ của trảng…

< Khu vực đệm sinh thái giữa rừng nguyên sinh và trảng cỏ.

Vào tháng ba âm lịch, thời điểm chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa, tại bàu nước giữa trảng cỏ còn diễn ra lễ hội Đâm Bàu bắt cá. Lễ hội này thường gắn liền với lễ hội ăn mừng lúa mới của đồng bào các dân tộc trong vùng. Trảng cỏ lúc này lại là nơi để mọi người vui chơi thỏa thích, cùng đốt lửa và nhảy những điệu múa của núi rừng. Du khách cũng có thể đến với những thôn bản của người S’tiêng quanh vùng để tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của bà con dân tộc, được thưởng thức những món ăn của người bản địa rất hấp dẫn.

< Huyễn hoặc giữa bãi cỏ mênh mông bỗng mọc lên một vài cái cây lẻ loi, xanh tốt.

Tham quan khắp nơi, thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì thú của trảng cỏ Bù Lạch từ mọi góc độ, đã đến lúc mỏi chân, du khách chỉ cần nằm dài trên cỏ, hít căng lồng ngực dưới vòm trời xanh bao la, lặng nghe xung quanh tiếng chim kêu vượn hú giữa núi rừng tĩnh mịch… Lòng bỗng nhiên bình yên, biết bao phiền muộn trong cuộc sống thường nhật bỗng chốc tan biến, nhường lại một không gian mênh mông của trời đất, của trảng cỏ Bù Lạch.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Vũ Thành Đạt - Nguyễn Luân (Báo Ảnh VN)

Cây sầu riêng ở Khánh Sơn

Ngồi cùng những người làm vườn Khánh Sơn bên những cây sầu riêng non mới được đưa từ miền nam về, chuẩn bị đem trồng trên rẫy mới. Những cánh lá bé xíu khẽ lay động, lay động như muốn chào một vùng đất mới, một nơi dừng chân mới.

Những câu chuyện về sự tích cây sầu riêng, về một loài cây mới trên đất Khánh Sơn cứ tiếp nối nhau, bên ánh lửa bập bùng trong đêm tối, gợi nhớ một mùi hương không thể lẫn lộn vào đâu được của trái sầu riêng. Cái hương vị nồng nàn, mãnh liệt và đầy quyến rũ ấy khiến ai đã một lần được nếm là khó có thể quên.

Bây giờ, khách ở xa đến thăm xã Sơn Bình được nghe kể chuyện về vườn cây ăn trái của anh Cao Văn Sang. Mới về với Khánh Sơn khoảng hơn sáu năm nay, nhưng anh Sang đã thể hiện là người có sự đồng cảm sâu sắc với mảnh đất này.

Nhìn khu vườn của anh, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự bài bản, căn cơ. Bởi trang trại được sắp xếp trật tự, ngăn nắp và đẹp. Cây cối ngay hàng thẳng lối. Cạnh đường vào trang trại là hai hàng cau thẳng tắp, những hàng sầu riêng, chuối, quýt, măng cụt. Cơ ngơi bề thế vậy mà chủ nhân của nó còn rất trẻ, mới chỉ 34 tuổi, chưa có vợ.

Việc trồng cây sầu riêng của Sang buổi đầu nhiều gian khó. Cái khó lớn nhất vẫn là vốn liếng và kỹ thuật. Vốn liếng thiếu thì Sang cùng gia đình chạy vạy, cạy cục để mua giống, khai khẩn, chăm sóc cây non. Kỹ thuật thiếu thì Sang đi khắp nơi tìm tòi, học hỏi. Trong quá trình đó, Sang đã có một quyết định rất quan trọng, đó là đầu tư lắp đặt hệ thống nước tự chảy, từ trên núi cách vườn khoảng gần ba cây số. Cách nghĩ ấy, cách làm ấy đã đem dòng nước mát lạnh từ trong lòng suối đá về chảy chan hòa khắp trên những luống cây. Trong cái nắng gắt mùa hè, đi trong vườn cây trái của Sang, cảm nhận sự trong lành của một không gian xanh mát mới thấy hết giá trị của sức lao động con người.

Sang kể, có một kỷ niệm thật khó quên về giống cây sầu riêng. Ngày ấy, Sang mê cây sầu riêng nên tìm vào tận miền nam mua cây giống. Khi đem về Khánh Sơn, Phòng Nông nghiệp huyện đến kiểm tra, đòi lập biên bản, không cho trồng. Số là, để bảo đảm chất lượng giống cây sầu riêng trên địa bàn, từ năm 1999, huyện Khánh Sơn chỉ mua giống của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam, không chấp nhận giống sầu riêng trôi nổi, kém chất lượng. Sau khi thẩm định cây giống của Sang, huyện cho trồng. Và từ đó, Phòng Nông nghiệp huyện và gia đình Sang ngày càng trở nên thân thuộc gắn bó trong công việc chăm sóc cây sầu riêng.

Những cây sầu riêng của Sang lên rất mạnh, và cũng rất nhanh cho trái. Cây còn nhỏ xíu, tán lá chưa lớn, chưa rộng mà trái lúc lỉu, oằn cành. Vườn sầu riêng của anh Sang trồng giống Moong Thoong, có chất lượng cao. Hiện tại gia đình Sang đang có 1.500 cây sầu riêng; trong số đó 90% cây đã cho trái.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Khánh Sơn, kỹ sư Lê Bá Sương nhẩm tính, với số lượng trái hiện có, năm nay, vườn sầu riêng của anh Sang đạt khoảng 100 tấn. Nếu tính giá ở mức thấp là 20 nghìn đồng/kg, năm nay vườn sầu riêng của anh Sang thu khoảng hai tỷ đồng. Quả là một con số đầy ấn tượng trên một vùng đất núi. Đây có phải là cây làm giàu của Khánh Sơn? Tôi cứ băn khoăn mãi với câu hỏi ấy. Bởi trước nay, Khánh Sơn đã từng đau đầu trước câu hỏi lấy cây gì, con gì làm chủ lực cho nông nghiệp địa phương.

Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, khắp các nẻo đường Khánh Sơn, đâu đâu cũng rôm rả câu chuyện trồng cây cà-phê, hồ tiêu. Sự giàu có tưởng chừng như đang ở ngay trước mắt với những chùm cà-phê xanh nặng trĩu và giá bán rất cao. Lúc cao điểm, toàn huyện có đến hơn 800 ha cà-phê. Nhưng, giá cả tụt không ngờ, người dân Khánh Sơn không đủ sức đầu tư, cây cà-phê sụp đổ. Vườn vườn trồng cà-phê chết đứng. Người người trồng cà-phê điêu đứng.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Ngô Hữu Giác rất tâm đắc với cây sầu riêng: Là huyện miền núi, nhưng trồng cây gì là một bài toán khó, chúng tôi cứ tìm tòi mãi. Rồi cũng tìm ra được cây sầu riêng. Đây là cây trồng mở ra hướng mới cho người dân Khánh Sơn phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo...
Năm 1999 trồng thử, đến năm 2006, huyện Khánh Sơn quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục đích đưa cây sầu riêng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Đến nay, Khánh Sơn đã có gần 500 ha sầu riêng; trong số này hiện có khoảng 200 ha cây đã cho trái. Về lâu dài, huyện Khánh Sơn có chủ trương phát triển diện tích trồng sầu riêng đến con số 500 ha là tối đa, không mở rộng thêm nữa mà đi vào đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kể chuyện nghe vắn tắt như vậy, song, để cây sầu riêng đứng được trên đất Khánh Sơn là một câu chuyện thật dài. Bước đầu thấy cây lên tốt như vậy, nhưng biết sau này cây ra trái như thế nào; giá cả, thị trường tiêu thụ ra làm sao... Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Nỗi ám ảnh của cây cà-phê, cây hồ tiêu của những năm trước khiến nhiều người dân Khánh Sơn e dè. Mà e dè cũng phải, bởi vốn liếng bỏ ra có phải nhỏ đâu, có phải thu hồi lại ngay được đâu. Riêng đối với đồng bào dân tộc, người dân chưa quen việc trồng cây ăn trái, khả năng chăm sóc yếu nên cây chết nhiều, huyện phải hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc...

Một thực trạng đáng buồn là thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đang bị lạm dụng mạnh. Thời vụ thu hoạch sầu riêng Khánh Sơn là vào tháng 7, tháng 8 hằng năm. Vậy mà trên thị trường mới vào tháng 2, tháng 3 đã có người mang sầu riêng từ các địa phương khác về Khánh Hòa bán và ghi là 'Sầu riêng Khánh Sơn, cơm vàng, hạt lép'. Nhiều người tiêu dùng đã bị lừa. Chất lượng trái sầu riêng bị đánh cắp từng ngày.

Một câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là người xử lý và xử lý như thế nào đối với những hành vi vi phạm trực tiếp đến thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được pháp luật bảo hộ? Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn tiếp tục bị xâm hại. Và như vậy, việc giữ được thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn sẽ là công việc hết sức khó khăn.

Giữa những vườn sầu riêng trĩu quả ở Khánh Sơn, trong cái nắng của vùng cao, tiếng con chim chiền chiện hót lảnh lót, nghe xao xuyến thanh bình. Câu chuyện về cây sầu riêng của anh Cao Văn Sang cứ theo tôi mãi. Anh đã đến với vùng cao Khánh Sơn bằng cả tấm lòng. Và đất đã không phụ người.

Sầu riêng Khánh Sơn rất thơm ngon, cơm vàng hạt lép, tỷ lệ cơm 30 - 40%, lại được thu hoạch trái vụ với các địa phương khác trên cả nước nên được khách hàng rất ưa chuộng. Khánh Sơn hiện có hơn 500ha sầu riêng, trong đó 200ha thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Bình, Sơn Lâm, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp. Giá thu mua tại chỗ từ 18 - 35 nghìn đồng/kg tuy thời điểm. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai lên Khánh Sơn đặt vấn đề thu mua với số lượng lớn, trung bình một ngày Khánh Sơn bán khoảng 100 tấn quả. Phòng NN-PTNN cũng làm việc với các siêu thị trên địa bàn tỉnh đưa SRKS vào tiêu thụ.

Thương hiệu Sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký độc quyền trên toàn quốc từ tháng 3-2011. Thế nhưng, tháng 6-7 vừa qua, nhiều cửa hàng, tư thương ở Nha Trang, Cam Ranh và nhiều địa phương khác vẫn mượn danh SRKS để bán “hàng giả”. Ông Nguyễn Trọng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn khẳng định: “SRKS cuối tháng 8 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch và kết thúc vào tháng 10. Không thể có chuyện có Sầu riêng Khánh Sơn ở thời điểm tháng 6-7. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị Chi cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra xử lý đối với những trường hợp mạo danh thương hiệu”.

Du lịch, GO! - Theo báo Nhandan, Khanhhoa, ảnh internet

Chợ Âm Phủ Đà Lạt

Nói đến Đà Lạt, người ta hay nhắc đến chợ Âm Phủ như một vẻ đẹp về đêm. Tên gọi này xuất hiện từ hồi đèn đường còn chưa có, những người bán đồ ăn khuya tụ tập ở dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt.

Mỗi gánh hàng có một ngọn đèn hột vịt thắp bằng dầu lửa, ánh sáng chỉ vừa đủ cho khách thấy gánh hàng có những món ăn gì để lựa chọn. Đêm đến, khi Đà Lạt chìm trong màn sương trắng xóa, nhìn từ xa khu chợ đêm là những đốm sáng bập bùng, le lói của những ngọn đèn dầu và bếp than hồng, gọi chợ Âm Phủ là vì vậy.

Chợ họp từ 7 - 8 giờ tối kéo dài cho đến tận 3 - 4 giờ sáng, khách đến không phân biệt sang hèn, từ những tay chạy xe thồ thức khuya đón khách, người lao công quét đường vừa xong việc, những nhạc công, ca sĩ vừa rời quán bar, vũ trường, đến những cô cậu sinh viên ít tiền lãng mạn, thích lang thang, hay khách du lịch muốn thưởng thức hương vị đêm Đà Lạt.

Quả là thích thú được đến chợ Âm Phủ ăn đêm trong tiết trời lạnh buốt những ngày cuối đông cho đến đầu tháng giêng, dễ được thấy hết cái hay cái đẹp của thành phố này.

Chưa ăn thì thấy lạnh đến run người, ăn xong cảm thấy thật ấm áp. Chợ Âm Phủ xưa nay không bán những món cao sang, cầu kỳ, chỉ là những nồi ốc luộc nóng hổi hay khô cá, khô mực làm mồi uống vài ly rượu gạo, rượu thuốc, hoặc là trứng vịt lộn và những món bún cháo bình thường. Cái thú của chợ là ai nấy có thể thoải mái ra vào, tạt qua ăn một chút lót lòng, ngồi nhâm nhi vài ly rượu, hàn huyên với bạn bè, hay một mình thưởng thức đêm lạnh Đà Lạt.

Bây giờ, chợ Âm Phủ đã được quy hoạch trong khuôn đất khá rộng, nằm dọc từ cửa chợ Đà Lạt đến bùng binh hồ Xuân Hương. Các món ăn khuya ở chợ đêm Đà Lạt cũng phong phú và đa dạng hơn, với đủ các món ăn ba miền như bún bò Huế, mì Quảng, phở Bắc, bánh canh, hủ tiếu Nam Vang... với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/tô. Riêng bánh mì ở chợ đêm Đà Lạt đã nổi tiếng từ lâu với món xíu mại cay ngon, giá chỉ 2.000 đồng một ổ. Hai người phụ nữ, một già, một trẻ, vừa nướng bánh, vừa bỏ xíu mại và rau vào bánh mì, nhưng dù khách có mua cả chục ổ một lúc thì cũng chỉ đợi chừng 10 phút là có ngay.

Quanh khu Hòa Bình cũng có các quán ăn đêm đã đi vào tiềm thức của người Đà Lạt và du khách thập phương như miến gà Nga ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phở Hiếu đường Trương Công Định, mì Quang Thanh đường Phan Đình Phùng, hoành thánh mì cạnh rạp Ngọc Hiệp, bún bò đường Ấp Ánh Sáng, chè đường Duy Tân...

Có lẽ khó có nơi đâu ta có thể đi dạo thoải mái như ở Đà Lạt. Không xe cộ ồn ào khói bụi, khí trời lại dịu mát, có thể ngắm nhìn cỏ cây hoa lá và đồi núi. Có lẽ chính vì thế mà thú ăn đêm ở Đà Lạt càng trở nên hấp dẫn. Vừa đi dạo ngắm phố đêm, vừa gặm bắp nướng phết mỡ hành hoặc nhâm nhi miếng khoai lang chiên, chuối chiên thơm lừng... Khi đôi chân đã mỏi sau cuộc chinh phục hồ Xuân Hương, có thể dừng lại bên gánh ốc chợ Âm Phủ hay đầu đường Trương Công Định, kêu dăm ba trứng hột vịt lộn, vài đĩa ốc bươu, nghêu luộc ăn với chuối xanh rau thơm chấm với nước mắm gừng, uống xị rượu đế nếp.

Nếu vẫn thấy chưa chắc dạ, hãy làm thêm tô cháo gà. Nhiều người thích ăn phở bò ở Đà Lạt không chỉ vì hương vị phở hơi khang khác mà còn vì ở cách ăn: ai cũng muốn ăn thật nhanh để "đua" với cái lạnh, để mỡ bò không kịp đóng bờ trên vòm miệng.

Nhưng thích nhất là được uống ly sữa nóng thơm lừng mùi đậu xanh, đậu nành hay đậu phộng ở các gánh sữa nằm rải rác trên các con dốc dẫn vào khu Hòa Bình hoặc ven bờ hồ Xuân Hương. Uống sữa đậu nành nóng khi trời lạnh đã trở thành một cái thú của những người dạo phố đêm Đà Lạt. Nhiều người vẫn nhớ lắm hàng sữa đậu nành gần hồ Xuân Hương của ông già với chiếc áo len đỏ đã cũ. Cụ có một cái cassette cũng "cổ lai hy", nhưng tiếng hát Khánh Ly vang lên từ cái máy ấy lại hay lạ lùng. Những hàng bán nước luôn bày sẵn nhiều loại bánh ngọt ăn kèm như bánh su, bánh pía, bánh nướng nhân thơm, nhân dừa để khách ăn lót dạ.

Trên đường Tăng Bạt Hổ ở trung tâm thành phố, bên cạnh hàng nước đậu của chị Hoa còn có các gánh bán hột vịt lộn, kế đó có cháo gà, phở Hiếu cũng mở cửa bán khá khuya. Ngày thứ bảy, chủ nhật, khu Hòa Bình được dành làm phố đi bộ, khách đi chơi về khuya thường tạt qua làm tô phở cho ấm người, hoặc sà xuống gánh hột vịt lộn. Chỗ nào bán thức ăn cũng kèm thêm trà gừng nóng miễn phí, mà dư vị sẽ còn đeo đẳng mãi người đi...

Du lịch, GO! - Theo Khapnamchau

Chợ Gò - Bình Định

Ai đã từng đi chợ Gò, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh đều có những kỷ niệm đẹp và khó quên.

Theo phong tục thì mỗi năm chợ chỉ họp hai phiên vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch. Chợ họp trên một gò đất cao dưới chân núi Hàm Long bên bờ sông Hà Thành đổ ra đầm Thị Nại vì vậy mà gọi là chợ Gò.

< Lễ hội ở Chợ Gò, Bình Định.

Ðiều kỳ thú ở đây là du khách đi hội chợ bị cuốn hút không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn do được dự những sinh hoạt văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Người đi hội chợ mua bán lấy may không mặc cả, không cò kè bớt một thêm hai như chợ hàng hoá ta thường thấy.

Chợ Gò có tính cách hội vui xuân dân gian hơn là phiên chợ. Từ người bán đến khách hàng đều mặc quần áo mới, nói cười vui vẻ, mặt tươi như hoa, các bà các cô phấn son trang sức lộng lẫy như dự lễ cưới. Từ mờ sáng ngày đầu năm chợ đã nhóm, ai đến trước bày hàng trước, ai đến sau kế tiếp thành dãy.

Không ai đứng ra xếp đặt, tổ chức thế mà vẫn trật tự, không hề tranh giành bán buôn theo lối kẻ chợ thông thường. Người bán là những dân cư quanh vùng thu góp trong vườn mớ trái cây, gánh rau cải, vài buồng cau, vài xấp trầu họ đem đến bán lấy hên đầu năm. Người mua không phải là thiếu thức ăn nhưng muốn đem về một cái lộc đầu năm, nhất là gian hàng trầu cau, các cô thường mua cầu may cho năm mới gặp duyên thắm tình nồng.

Vui vẻ nhất là các gian hàng pháo, bán đủ loại nào pháo tre, pháo tống, pháo điển, pháo chuột, pháo dây, pháo thăng thiên, pháo bông... Ðó đây, giọng lái buông chào hàng ngân nga câu vè theo điệu bài chòi:

Mời chư vị giai nhần tài tử
Tới đây nghe tôi thử pháo tre
Của bán ra không phải nói khoe
Thời thực vật sắm vừa túc dụng
Có pháo nhiều đốt mới vui tình
Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
Có pháo mới văn minh xuân nhựt
Dưới con cháu cũng vui cũng ức
Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
Lấy gì đặng minh niên hỉ hả...

Các gian hàng bán đồ chơi trẻ em cũng vui nhộn không kém. Ðặc biệt nhất, những sản phẩm làm bằng vật liệu địa phương, thuần túy Việt Nam như gà cồ chút chít nặn bằng đất sét, rỗng ruột, sơn phết xanh đỏ, có lỗ thổi ra tiếng kêu o... o..; trống rung (trống bỏi) thành và cán bằng tre phất bong bóng heo hay da ếch có tra hai cây đính cục chì nhỏ mỗi lần rung tạo âm thanh thật vui tai: thằng nhào lộ; cối xay lúa; cối giã gạo; tướng quân múa võ đều làm bằng tre và gỗ cây gòn. Từ cuối thập niên 60, có xen những đồ chơi bằng nhựa hoặc bằng kim loại như búp bê, xe tăng, tàu bay, súng lục..., có lẽ vì đắt giá hay chưa quen với thị hiếu nên ít thông dụng.

Những gian hàng thức ăn, nước giải khát cũng góp mặt không kém. Các món đặc sản địa phương được khách hàng ưa thích như nem Chợ Huyện của bảy Ù, chim mía ở Lộc Lễ, rượu nếp và rượu gạo ở Trường Thuế (dân chúng quen gọi là Trường Thế đã mãi mãi đi vào ca dao của dân tộc:

Rượu ngon Trường Úc mê ly,
Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành.

Ðến với Chợ Gò không những để ăn uống, mua rau quả để lấy lộc, mua pháo để lấy hên đâu năm, hoặc để thưởng thức tài viết chữ "phượng múa rồng bay" trên liễn đối, mà đến với Chợ Gò còn có đủ các trò vui chơi mang màu sắc dân gian như đánh bài chòi, chơi lô tô, giải đáp câu thai, đánh cờ tướng, đá gà... Nếu ai nặng máu đỏ đen thì tha hồ sát phạt ở các sòng bài như xóc dĩa, bầu cua tôm cá, xì lác... nhưng phần lớn họ đến đây để gặp gỡ bạn bè, trao nhau những lời chúc tụng, kéo nhau đi xem chợ và khi mặt trời đứng bóng thì chia tay ra về.

Hội chợ Gò diễn ra tuy ngắn ngủi nhưng ý nghĩa rất lớn vì nó tạo ra không khí vui tươi thoải mái sau một năm miệt mài lao động vất vả và đi vào ký ức người dân nơi đây như một mảng tâm hồn tươi sáng và tìm về với bản sắc dân tộc, tìm về với cội nguồn của chính mình.

Du lịch, GO! - Theo Lukhach24, ảnh internet

Lặn đêm ở vịnh đá ngầm

Mùa hè cháy lửa khiến dân tình chỉ muốn nhao cả ra biển để được vẫy vùng và đắm mình trong làn nước mát. Vì thế, khi cô bạn làm bảo tồn đang công tác ở Đà Nẵng đưa ra kế hoạch cắm trại trên đảo hoang và lặn đêm ở vịnh đá ngầm, cả nhóm đã nhất trí ở "cấp độ" cao nhất.

< Chuẩn bị xuống nước.

Xách theo hai cái lều du lịch loại siêu nhẹ và tiện ích, nhóm 5 người rời Hà Nội trong một chuyến xe đêm, nhóm 10 người từ Lăng Cô chạy tới, chúng tôi hội quân với nhóm ở Đà Nẵng vào một ngày đẹp trời.

8g sáng ngày thứ 7, chúng tôi tập trung tại bến thuyền Thọ Quang - đường Điện Ngọc, Sơn Trà, Đà Nẵng. Các bạn ở đây đã chuẩn bị rất chu đáo cho chuyến đi: nào lều, bạt, dây thừng, nào thùng xốp chứa đồ ăn hải sản, nước ngọt, đá cây và "hầm bà lằng" các thứ linh tinh khác để phục vụ cho hai ngày quyết rời xa thành phố, sống kiểu Robinson trên đảo hoang.

< Bến thuyền Thọ Quang.

Đích tới là một hòn đảo mà cả nhóm đã đi tiền trạm ngày hôm trước bằng... ống nhòm, trên con đường trổ qua bán đảo Sơn Trà. Một vịnh biển nhỏ đầy đá ngầm nằm dưới chân bán đảo, cách duy nhất để tiếp cận là đi thuyền. Con đường nằm cao tít phía trên đầu, và trừ phi bạn là một chuyên gia leo núi, còn nếu không, việc tiếp cận vịnh biển bằng đường bộ là điều không tưởng.

Do tàu lớn không vào được gần bờ nên chúng tôi xuất quân bằng thuyền thúng. Con thuyền nhỏ tròng trành, đã khá cũ kỹ nên đi một đoạn đường ngắn nước đã tràn vào qua đáy xâm xấp chân người. Mỗi lần quay lại đón nhóm khác, mấy anh vạn chài lại phải lật nghiêng chiếc thúng để dốc nước ra. Những cảm xúc hồi hộp đầu tiên của chuyến đi hứa hẹn một hành trình thú vị.

< Trên thuyền thúng.

Con thuyền vốn chuyên dùng ra khơi đánh cá, câu mực đêm, hôm nay tạm nghỉ để đưa những vị khách du lịch đi phiêu lãng ở chốn không người. Chúng tôi lênh đênh trên biển gần một tiếng rưỡi, chạy ngang qua khá nhiều bãi biển đẹp như Bãi Bụt, bãi Rạng, bãi Nam và cập bến ở bãi U.

Đó là một bãi biển khá kín gió, nằm khuất hơn so với mỏm Sư Tử - một mỏm đá đẹp nổi tiếng của bán đảo. Đổi lại, bãi U có một rừng mù u và dứa dại xanh um tùm, vài gốc cây bàng vươn mình tỏa bóng, phía hai đầu là những dải đá cuội nhấp nhô, nửa nổi nửa chìm trong làn nước biển trong xanh như ngọc bích.

< Dựng trại trên đảo hoang.

Việc đầu tiên phải làm khi đổ bộ lên đảo hoang là hạ trại. Một nhóm thanh niên được phân công đi tìm nước ngọt và may mắn thay cách chỗ hạ trại không xa là một suối nước khơi nguồn có lẽ từ một mạch nước rất sâu trong núi đang róc rách đổ ra biển. Nhóm ở lại chia nhau dựng lều, chuẩn bị đồ ăn, thức uống. Những cọc gỗ bỏ hoang trong rừng đã được mang về làm cọc trại, bình nước ngọt 5 lít thành “mỏ neo” để giằng dây buộc lều.

Chúng tôi chỉ mất vài phút để dựng lều du lịch, loại lều cực kỳ tiện ích do thiết kế gọn nhẹ và rất thông minh. Vài người lo quét dọn rác quanh khu vực hạ trại, người khác lo bắc bếp nấu nướng vì mặt trời đã sắp đứng bóng, tiếng cười vang rộn khắp nơi. Nhóm khác mang theo búa và dao tiến về khu ghềnh, hí hửng đi đập hàu, ốc vú nàng bám đầy trên mặt đá. Chả mấy chốc, chiếc túi mang theo nặng trĩu, ai cũng nghĩ đến một bữa nhậu tươi và ngon tuyệt đang chờ.

Sau bữa trưa thịnh soạn với tay nghề nấu bếp của mấy cô bạn người Đà Nẵng, chúng tôi tản mát ra khắp đảo, mỗi người lựa chọn một hoạt động mà mình cảm thấy thích thú. Một nhóm rủ nhau trekking vào sâu trong rừng mù u, đơn giản chỉ để nghe tiếng thở nhè nhẹ của rừng cây và tiếng côn trùng kêu lích rích. Người thì lựa gió thả con diều xanh lên trời rồi nằm dài trên bãi cát đọc sách, nghe nhạc và thiu thiu ngủ...

Buổi lặn biển bắt đầu lúc 3g chiều.

Bãi U có một hệ thống đá ngầm, rạn san hô và những dải rong biển khá đẹp. Với những dụng cụ chuyên dụng cho trò lặn biển như mặt nạ, ống thở, chân nhái, áo phao… chúng tôi bơi theo người dẫn đường của biển - người đã thổi bùng ngọn lửa khám phá những bí ẩn dưới đáy biển sâu cho các thành viên trong đoàn. Cả nhóm ra tận góc xa nhất của đảo, thỏa thích vẫy vùng và tìm kiếm những chú cá tung tăng bơi lội giữa đám rong biển. Xung quanh, những chùm hải quỳ nở xòe như hoa, những rạn san hô đĩa xếp tầng lên nhau trông như những cây nấm khổng lồ...

< Nướng vẹm ngay trên bãi biển.

Hoàng hôn buông nhẹ trên đường chân trời. Những người vạn chài đã trở về đảo, mang theo một thùng lớn vẹm, ốc và cả tôm hùm. Các bạn tôi sau khi nô đùa nghịch ngợm với sóng biển cả chiều, giờ đã lên bờ thưởng thức thứ rượu mơ ngọt lịm và ăn hải sản tươi nướng ngay trên bãi. Tiếng đàn ghi ta trong chiều êm ả khiến cho thời khắc mặt trời đi ngủ trở nên lãng mạn và xao xuyến lạ. Màn đêm lan dần trên đảo hoang.

< Tự đi gở hàu trên ghềnh đá.

Bữa tiệc BBQ diễn ra bên đống lửa trại bập bùng. Những ánh đèn pin loang loáng chập chờn khiến cho đêm càng trở nên hoang dại. Tiếng hát, tiếng đàn, tiếng cười đùa và cả tiếng mỡ reo xèo xèo trên bếp nướng lẫn vào giữa tiếng sóng biển lao xao, tiếng gió vi vút qua rừng mù u, tạo thành một thứ thanh âm sảng khoái và hoan hỉ. Trăng 11 âm chưa tròn hình hé thứ ánh sáng bàng bạc qua quầng mây vàng dầy đặc. Gió đang kéo mây về dầy hơn.

9g đêm. Cuộc chinh phục biển đêm bắt đầu. Đây là lần đầu tiên chúng tôi lặn biển vào ban đêm, cảm giác thật khó diễn tả. Có người đã phải tới lần thứ 3 mới vượt qua được nỗi sợ hãi mơ hồ, và sau khi đến với biển vào thời khắc đáng nhớ ấy, thì lặn biển đêm đã trở thành một thú chơi đam mê.

< Đêm lửa trại bập bùng.

Tôi mặc một bộ quần áo dày ôm sát người thay vì một bộ đồ lặn chuyên nghiệp, đi một đôi giày vải mềm thay vì một đôi chân nhái, đơn giản vì không phải dân lặn “pro”, và còn lạ lùng hơn là... không hề biết bơi. Đeo mặt nạ và ống thở, tay cầm chắc đèn pin loại chịu nước, chúng tôi lao mình vào giữa lòng biển đen sẫm. Tôi bám vào chiếc phao mà ở giữa có một cái lưới dùng để đựng những thứ sẽ sưu tầm. Chiếc phao được dòng dây kéo vào người dẫn đường. Anh cầm một chiếc đinh ba để đi xiên cá kiếm đồ nhậu đêm.

Mấy chiếc đèn pin quét một quầng rộng bán kính chừng 3 mét xung quanh. Đám rong biển dập dờn như một đoàn vũ nữ trở nên yểu điệu và ma quái hơn, dải san hô buổi đêm trở nên long lanh hơn, bọn cá lơ đãng hơn vì say ngủ, vì vậy rất dễ dàng dùng đinh ba xiên táo. Im lặng không ai nói gì, vì ai cũng đang ngậm chặt ống thở và lướt đi giữa làn nước mênh mông.

< Chuẩn bị đồ nghề lặn biển đêm.

Chúng tôi tập trung tới mức, mưa rơi tý tách trên biển mà không ai cảm nhận được cho đến tận lúc lên bờ. Và cứ trôi như thế, giữa biển đêm, giữa sự kỳ bí thẳm sâu của lòng biển, và giữa những tầng cảm xúc lẫn lộn, thích thú, e ngại, háo hức và cả một chút đề phòng…

Lặn biển đúng nghĩa là phải xuống sâu dưới mặt nước biển ít ra là vài mét, với bình dưỡng khí và các phương tiện chuyên nghiệp khác thì còn phải xuống sâu hơn. Tuy nhiên, dù chỉ “lặn vo” với mặt nạ và ống thở như tôi, thì chỉ riêng việc dám ra biển vào ban đêm, áp mặt xuống nước để được ngắm một phần lòng biển huyền bí, vẫn những rạn san hô, những dải rong rêu mượt mà, những hải sinh vật thú vị, nhưng vào ban đêm, thực sự là một trải nghiệm đáng phải thử trong đời…

Du lịch, GO! - Theo Thuỷ & Thuỷ (TTO)

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Không vào được Blogspot?

Khoảng 1 tuần nay: ở một thời gian nhất định trong ngày (thường từ tối đến sáng), tất cả các trang Blogspot đều bị VNPT chận không thể vào (người dùng FPT, Viettel hay các nhà cung cấp khác vẫn sử dụng bình thường. 

< Chận không đau, cái đau là những phe phái 'cà chua' ở nước ngoài lại có cớ chỉ trích hay bôi bác.

Được biết thì họ không chặn trang blogspot.com mà chặn các subdomain là **.blogspot.com > đa phần các nhánh đều toi, thậm chí lúc đầu: các blogspot có domain riêng, trang **.googleusercontent.com cũng tiêu, đồng nghĩa là khỏi dịch, khỏi xem cache Google luôn. Picasa cũng dạng **.googleusercontent.com nên chịu chung số phận.

Xem thêm: Vì sao không vào Du lịch, GO! được?

Bài này không nói về lý do tại sao (như lần trước, vào năm trước đó mà) mà chỉ đề cập tới cách mà bạn có thể vào được Blogspot một cách thuận tiện và đơn giản nhất.

1/ Cách bằng "tay chân" là bạn thay đổi DNS của máy bạn, việc này chỉ mất vài mươi giây.
Sử dụng DNS sau:
4.2.2.1 - 4.2.2.2
4.2.2.3 - 4.2.2.4
4.2.2.5 - 4.2.2.6

Nhấn OK và chờ mươi giây là có thể vào các trang bị chận bình thường.

2/ Một cách tương tự nhưng thuận tiện hơn nữa vì các bạn sẽ xài một phần mềm nhỏ: DNS Jumper. Tiện ích này không cần cài, miễn phí và rất đơn giản khi sử dụng. Bạn chỉ chạy nó, nhấn Level 3 (hay Dsn11, Dsn13) - Thấy bảng báo thành công thì ok - Chỉ sau vài giây là có thể truy cập vô Blogspot ầm ầm. Bây giờ có th tắt DNS Jumper.

- Xem thêm tại đây.
- Tải tại đây: www.box.com.

3/ Sử dụng các trang mạng vượt tường lửa.

Cách này đơn giản và hiệu quả, có thể sử dụng các trang mạng cho phép vượt tường lửa. Vào các trang sau và gõ địa chỉ cần đến là được (Tuy nhiên, tốc độ load trang sẽ hơi chậm):

proxyweb.com.es
hidemyass.com
german-proxy
101speed.info
Browser 24
Fast Accesses
Privacy 24
Fast Webview
0006 Site
Surf Wired

4/ Sử dụng trình duyệt với Tor Browser Bundle.

Tor là một dự án (http://www.torproject.org) có nhiều chương trình mục đính chính của nó là bảo vệ bạn triệt để trên internet. Tuy nhiên bạn có thể dùng nó để lướt web ẩn danh và vượt tường lửa.

Ghé thăm trang web của dự án ở đây và tải về Tor Browser Bundle phiên bản rời hoặc có thể tải về  phiên bản tích hợp Tor Browser Bundle for Windows with Firefox Aurora.
Tốc độ trang web sẽ tương đối chậm hơn khi sử dụng trình duyệt thông thường. Dù sao thì nó cũng rất xứng đáng để dùng trong trườn hợp cần thiết.

5/ Dùng phần mềm Ultrasurf hoặc Hotspot Shield

Hotspot Shield là một chương trình VPN client miễn phí. Nó kết nối máy tính chúng ta với một mạng riêng ảo và các dữ liệu được mã hóa để bảo đảm vấn đề bảo mật. Máy tính sẽ dùng 1 IP của US để kết nối vào mạng với tốc độ không hề thay đổi như không dùng Hotspot Shield. Nếu dùng bản free bạn phải đối mặt với một ít quảng cáo. Tải về ở đây http://hotspotshield.com/

Ultrasurf là một sản phẩm của UltraReach Internet. Ban đầu người ta làm chương trình này để hỗ trợ cho người dùng ở Trung Quốc vì chính sách kiểm duyệt thông tin chặc chẽ của nước này. Giờ đây Ultrasurf đã trở thành phần mềm vượt tường lửa và bảo vệ sự riêng tư trên internet phổ biến hàng đầu trên thế giới với hàng triệu người sử dụng. Tải về tại đây http://ultrasurf.us/

Với mình thì cách 2 và là phương pháp trước giờ vẫn xài do nó đơn giản. Mình chỉ chạy và set 1 lần là xong, tha hồ 'đơm cơm gắp mắm' không cần lộn xộn gì.

Xem thêm: Vì sao không vào Du lịch, GO! được?

Du lịch, GO! - Tổng hợp